Ông Huỳnh Nhân - giám đốc Công ty TNHH Nhân Ái (TP.HCM) chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc người bệnh, người cao tuổi - cho biết khách hàng của công ty thường là người già, kinh tế khá giả. Đa số bệnh nhân (BN) mắc bệnh tai biến mạch máu não, tiểu đường, tim mạch, ung thư, bệnh già...
Nhân viên nuôi bệnh ở công ty có không ít hoàn cảnh éo le, ngang trái. Có người nói tiếng Anh, tiếng Pháp như gió, thậm chí đang học hoặc đã tốt nghiệp đại học... nhưng vẫn chọn nghề này như một công việc từ thiện hoặc mưu sinh. Có người vì gia đình đổ vỡ, vợ chồng chia tài sản, chia con cái... nên chọn nghề nuôi bệnh cho khuây khỏa tinh thần. Có người chọn việc này vì có tâm, vì con cái đã trưởng thành, ở nhà rảnh rỗi nên đi làm cho có bầu bạn...
Những phận đời vất vả
Chúng tôi gặp chị Phạm Thị Hậu (51 tuổi) ở Bệnh viện Q.4 - nơi chị chăm sóc một BN. Lúc này, chị Hậu đang một tay nhẹ nhàng lau mặt, lau cổ cho BN, sau đó bắt đầu bơm thức ăn xay nhuyễn qua ống thông dạ dày cho BN. Dường như cảm nhận được tình cảm của chị Hậu, gương mặt phúc hậu của người bệnh cứ rướn về phía chị, đôi mắt có ánh cười lấp lánh... Nếu chị Hậu không mặc đồng phục người nuôi bệnh của Công ty TNHH Nhân Ái, ai cũng nghĩ BN là người thân của chị.
Chăm sóc BN xong, chị Hậu mới kể BN là bà Nguyễn Thị Tr. (85 tuổi), bị tai biến mạch máu não đã mấy tháng nay. Mọi chuyên ăn uống, chăm sóc, vệ sinh cho bà, chị lo hết. Chị Hậu nói: "Cứ nhìn bà Tr. tôi lại nhớ mẹ và lo lắng vô cùng. Giờ này mẹ tôi đang nằm liệt giường như bà Tr.". Mẹ chị Hậu cũng bị tai biến, bán thân bất toại... Vì vậy, bao nhiêu yêu thương gần như chị dồn hết cho bà Tr.. Ngày nào chị cũng dậy từ 4g30 để nấu cơm nước mang theo. 6g chị có mặt ở bệnh viện để người nhà bà Tr. về đi làm. 6g tối chị mới từ bệnh viện trở về nhà. Tiền công nuôi bệnh mỗi ngày chị được công ty trả 63.000đ.
Gia đình chị Hậu có năm người, thêm gia đình người em tám người và mẹ chồng cùng sống trong một ngôi nhà nhỏ ở đường Bông Sao (Q.8). Chồng chị và một con gái làm công nhân nhưng thu nhập không đủ sống. Vợ chồng người em còn khó khăn hơn. Thương con cháu, mẹ chồng chị là bà Nguyễn Thị Hương đã 57 tuổi cũng đi học lớp chăm sóc người bệnh, đang đợi công ty gọi đi làm.
Hoàn cảnh của chị Trần Thị Diễm (30 tuổi, đường số 10, Q.8) còn bi đát hơn. Căn nhà nhỏ lụp xụp - nơi gia đình chị Diễm ở cùng với hai hộ trong gia đình - có đến 14 người chen chúc nhau. Anh Đỗ Văn Phúc - chồng chị Diễm - làm thợ hồ, thu nhập vài chục ngàn đồng mỗi ngày chỉ tạm đủ nuôi vợ, ba con và mẹ già 72 tuổi. Khi không có việc, anh Phúc chạy xe ôm. Vì bận việc nhà, chị Diễm chỉ có thể nhận nuôi bệnh vào ban đêm. Cứ 5g chiều chị có mặt ở Bệnh viện Nhi Đồng chăm sóc trẻ, 5g sáng mới về nhà. Con gái lớn của chị là Đỗ Thị Diễm Mi bị lỗ rò hậu môn từ khi mới chào đời. 12 đã năm trôi qua, biết bao lần chị muốn đưa con đi mổ vá lỗ rò nhưng vẫn chưa thực hiện được. Bản thân chị Diễm bị dị tật chân dài chân ngắn do té võng từ nhỏ. Chị ước ao có tiền đưa con đi mổ nhưng ước mơ vẫn chỉ là ước mơ...
Niềm vui...
Vợ chồng anh Trần Văn Quê và chị Phạm Thị Ngọc Ngô vì nuôi tôm thất bát đành phải để con ở lại Phan Rang (Ninh Thuận) vào TP.HCM làm nghề nuôi bệnh. Vợ chồng anh chị làm ở đâu cũng được người nhà BN rất quí, tín nhiệm, được hợp đồng làm việc dài hạn.
Anh Quê đang chăm sóc một người bị tai biến mạch máu não. Khi BN còn nằm bệnh viện, anh Quê ở hẳn trong bệnh viện 24/24g. Thời gian đầu mới mắc bệnh, BN bị trầm cảm, không muốn tiếp xúc với ai. Thế nhưng qua sự chăm sóc, chia sẻ của anh Quê thì hiện nay BN rất yêu đời, lạc quan. Khi BN xuất viện về nhà, anh Quê được gia đình mời về tiếp tục chăm sóc cụ. Vợ anh Quê là chị Ngô cũng luôn được công ty giao "chuyên trị” những ca bệnh khó tính khó nết. BN mà chị đang nuôi là một bà cụ cực kỳ khó tính. Bà khó đến nỗi con cháu không ai chịu nổi. Vậy mà chỉ sau một thời gian ngắn, bà cụ lại thương chị Ngô một cách lạ kỳ.
Còn anh Nguyễn Tấn Dũng (23 tuổi) được giao chăm sóc một BN bị tai biến mạch máu não đã 77 tuổi. Sau cơn bạo bệnh, ông cụ rơi vào trạng thái trầm cảm, con ông đi làm suốt ngày. Nhà có 2-3 người làm nhưng không ai có thể giúp ông thoát khỏi tâm trạng buồn chán. Từ khi có Dũng đến nhà nuôi bệnh, ông cháu cùng hát hò, tâm sự, kể chuyện, ông vui hẳn lên. Làm được một thời gian, gia đình BN thương Dũng như con. Họ mua luôn cho Dũng một chiếc xe đạp điện và bảo "khi nào rảnh muốn đi đâu chơi thì đi, muốn học gì sẽ cho tiền học".
...Và nước mắt
Dù biết làm nghề nuôi bệnh phải chịu cực, chịu nhẫn nhịn, thế nhưng trên thực tế có không ít người gặp phải những tình huống éo le, khó nói. Một sinh viên nữ 20 tuổi, khi tham gia lớp nuôi bệnh tại công ty học rất chăm chỉ, nhiệt tình. Thế nhưng khi đi nuôi một BN nam 60 tuổi bị ung thư túi mật chỉ đúng một ngày đã nằng nặc xin nghỉ việc và tuyên bố... không bao giờ làm nghề nữa. Lý do: cô rất xấu hổ khi phải thay túi chứa nước tiểu bọc ở cơ quan sinh dục BN.
Chị Hậu kể, chị đã phải khóc thầm vì gặp BN hoặc người nhà BN quá khó tính, khắt khe. Họ không cho nghe điện thoại, cầm từng cái ly, cái muỗng... xem xét chị rửa có sạch không. Có chị lại khổ sở vì BN luôn miệng than mất tiền dù tiền không bị mất đồng nào. Có gia đình BN kỹ đến mức vào nhà thay một đôi dép, vô phòng khách thay một đôi, qua phòng ngủ một đôi khác và vào nhà vệ sinh thêm một đôi nữa. Chỉ cần đi nhầm một đôi dép không theo ý gia đình BN là có thể bị "nặng nhẹ”. Vô ý làm một việc gì đó khiến BN không hài lòng là họ gọi điện đến công ty "mắng vốn", đòi hủy hợp đồng thậm chí không thanh toán tiền chăm sóc BN. Những lúc như vậy, công ty phải xin lỗi BN và bù lương cho nhân viên.
Không chỉ người nuôi bệnh mới khóc thầm mà ngay cả BN cũng có không ít người rất đáng thương. Như chị Trang được giao chăm sóc một bà cụ bị bệnh tiểu đường. Bà cụ ở với con trai và con dâu, nhưng tiền chăm sóc bà lại do con gái trả. Vì bệnh lâu ngày, con cái không quan tâm, bà bị stress tâm lý rất nặng. Không biết làm gì để giải tỏa ấm ức, bà nghĩ ra cách tiêu, tiểu ngay trong nhà rồi làm tùm lum cho hôi hám để... "trả thù” con cái. Với những BN như vậy, người nuôi bệnh không chỉ là người chăm sóc đơn thuần mà còn là chỗ dựa tinh thần, là người bạn, người con, người cháu để họ chia sẻ, trút nỗi lòng.
Ông Huỳnh Nhân tâm sự: "Làm nghề nuôi bệnh phải có tâm. Phải xác định việc chăm sóc BN như chăm sóc cha mẹ, anh chị của mình mới có thể chịu cực và vượt qua được mặc cảm của công việc".