“Chắc tui đóng cửa”
Cty TNHH Nhân Ái (TPHCM) là một DN hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lại lao động với các công việc như quản gia, giúp việc nhà, chăm sóc người bệnh. Ông Huỳnh Nhân - Giám đốc Cty - cho biết, những công việc chủ yếu sử dụng lao động phổ thông, làm thời vụ, tìm được một đội ngũ làm việc ổn định cũng đã khó, Cty hoạt động có khi lời, lỗ nhưng vẫn cố gắng duy trì vì NLĐ và cả khách hàng. “Khi BLLĐ có hẳn một chương về cho thuê lại lao động khiến những đơn vị, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này rất phấn khởi, vì nếu có tranh chấp xảy ra sẽ có cơ sở pháp lý để giải quyết. Tuy nhiên, niềm vui chưa thấy đâu hiện tại đã lo sốt vó” - ông Nhân bộc bạch.
Theo ông Nhân, trong chương 2 về điều kiện, thủ tục, thẩm quyền cấp giấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, tại khoản 1, điều 5, mục I, Nghị định 55/2013/NĐ-CP quy định rõ DN được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động khi đã thực hiện ký quỹ 2 tỉ đồng. “Như vậy những DN nhỏ như chúng tôi chỉ có nước đóng cửa hoặc quay trở lại “hoạt động chui”. Chúng tôi không có nhiều tiền như vậy. Cty tôi vốn điều lệ cũng chỉ có 200 triệu đồng. Thực tế, một DN cho thuê lao động chỉ cần vài chục triệu đồng là có thể hoạt động được, giờ lấy đâu ra 2 tỉ đồng để ký quỹ” - ông Nhân phân tích.
Gian nan nghề chăm sóc bệnh nhân
Bà Lê Mai Liên - DN cho thuê lại lao động trong lĩnh vực hướng dẫn du lịch, Q.Tân Bình - cho rằng, DN ký quỹ 2 tỉ đồng mới được hoạt động thì DN đóng cửa sẽ khỏe hơn. Theo bà Liên thì 2 tỉ đồng gửi ngân hàng mỗi năm tiền lãi gần 200 triệu, trong khi đi kinh doanh, một ông chủ DN nhỏ chưa chắc mỗi tháng đã kiếm được 20 triệu mà phải lo rất nhiều thứ, vậy nếu có 2 tỉ nhiều người sẽ đóng cửa DN mà nghỉ ngơi cho khỏe. “Hơn nữa Nghị định có nêu là DN cho thuê được hưởng lãi suất từ tiền ký quỹ theo thỏa thuận với ngân hàng. Nếu ngân hàng ép lãi suất thì sao? DN lại tiếp tục chịu thiệt?”-bà Liên thắc mắc.
Phải tùy vào quy mô doanh nghiệp
Theo giải thích của một cán bộ quản lý lao động thì trước đây khi pháp luật chưa có quy định rõ khi NLĐ gặp tai nạn, ốm đau, bị nợ lương, nợ BHXH cả 2 bên DN đều chối hoặc một số DN cho thuê, DN thuê lại lao động cùng nhau bỏ trốn khiến quyền lợi NLĐ bị mất trắng. Việc DN ký quỹ 2 tỉ đồng là nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ khi DN cho thuê lao động xảy ra sự cố. Cụ thể, tại điều 15 về sử dụng tiền ký quỹ quy định rõ: Tiền ký quỹ được sử dụng để thanh toán tiền lương hoặc bồi thường cho NLĐ thuê lại trong trường hợp DN cho thuê vi phạm hợp đồng lao động với NLĐ hoặc gây thiệt hại do không bảo đảm về quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ thuê lại. Hơn nữa tiền ký quỹ được rút khi DN cho thuê không đủ khả năng trả lương cho NLĐ thuê lại sau thời hạn 60 ngày, kể từ ngày đến thời hạn trả lương, hoặc DN không đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN 3 tháng liên tục…
Ông H.L - giám đốc Cty dịch vụ bảo vệ - cho rằng: “Quy định DN phải ký quỹ để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ khi xảy ra rủi ro là đúng, nhưng phải tùy thuộc vào quy mô Cty, số lượng lao động, quỹ lương, số tiền đóng các khoản bảo hiểm trong 3 tháng… mà DN phải ký quỹ với một số tiền tương đương. Không thể bắt tất cả DN đều ký quỹ 2 tỉ đồng, 1 DN 10 lao động phải khác DN 1.000 lao động. DN làm sai thì xử lý chứ không thể ràng buộc bằng tài chính giữa lúc khó khăn này”.